Thầm lặng những người cắm mốc biên cương

Thứ ba - 21/01/2014 03:47
Điện Biên có 360km đường biên giới Việt – Lào tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pra Bang và Phoong Sa Ly (Lào). Để hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa trong năm 2013, lực lượng phân giới cắm mốc tỉnh đã trải qua những ngày tháng nắngcháy mưa rừng đầy gian khó.
/uploads/news/2014_01/222224444444444444444444444444444.jpg Đoàn phân giới, căm mốc Việt – Lào bên cột mốc số 10 thuộc địa bàn xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé.Do việc phân giới cắm mốc (PGCM) nhạy cảm, đòi hỏi tính chuyên nghiệp và kỹ thuật cao nên lực lượng cắm mốc cũng đa dạng, đại diện nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, ngoại giao, quân đội, công an... trong đó lực lượng bộ đội biên phòng đóng vai trò chủ chốt.Những người được lựa chọn làm nhiệm vụ vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngoài đảm bảo yếu tố về sức khỏe, trí tuệ còn phải có bản lĩnh, tính kiên trì trong công việc. Trải qua 5 năm thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, đến nay, lực lượng PGCM tỉnh đã hoàn thành 156 cột mốc, cắm bổ sung 25 cọc dấu, góp phần làm rõ đường biên giới, ổn định, bình yên cho hôm nay và cho muôn đời sau.Thiếu tá Phạm Hồng Giang, Đội trưởng Đội cắm mốc Điện Biên 2 tâm sự: Để hoàn thành được việc PGCM tại một điểm cụ thể cần phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm nhiệm vụ phải hết sức thận trọng, chính xác đến từng mi li mét; đa số những vị trí cắm mốc phải tự tìm đường lên vị trí đã được xác định trên mốc bản đồ. Nhiều địa điểm có độ cao gần hai nghìn mét, điển hình như mốc 22, mốc 25 thuộc địa phận xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, nhìn thấy đỉnh núi nhưng phải mất cả tuần mới mở đường lên được tới nơi.Những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, những cây rừng chắn lối và cả những trận mưa rừng xối xả cũng không làm nhụt ý chí của các anh. Chàng trai người Mông Sùng A Khua bản Mường Nhé xã Mường Nhé, một thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng, được mệnh danh là “con sơn dương của núi rừng”, sau lần dẫn đường đội PGCM đã phải thốt lên: “Từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới giờ mình chưa thấy việc làm nào lại gian nan, cực khổ như việc đi cắm mốc giới tại các đỉnh núi cao chót vót...”Gian khó không làm nhụt ý chí của những người đi cắm mốc, bởi đây không chỉ là vinh dự của mỗi cá nhân mà là trách nhiệm lịch sử của dân tộc đặt lên vai các anh. Đại úy Lã Quý Nhất, Đồn biên phòng Mường Nhà chia sẻ: Lần đi bảo vệ lực lượng PGCM tại địa phận xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, đội phải đi bộ cả cả ngày đường; tới nơi trời đã nhá nhem tối. Cả đội đành vội vàng dựng lán trại giữa đỉnh trời, kiếm củi nấu cơm, củi không cháy nổi vì sương mù ẩm ướt. Anh em trong đoàn có 9 người đành chia nhau nắm cơm còn sót lại chỉ to bằng quả cam... Nửa đêm trời bất chợt đổ mưa. Cơn mưa rừng dội xuống ào ạt, nước đỏ ngầu chảy như dòng suối quanh lán trại, cả núi rừng tối đen như mực thi thoảng lóe lên những tia chớp nhoằng nhoằng rồi biến mất. Chỗ nằm lênh láng nước vì lán trại mưa dột, mấy anh em đành ngồi sát bên nhau chia sẻ hơi ấm để đợi trời sáng...Ở nơi cổng trời, mưa rừng gió núi, gian nan, hiểm nguy luôn rình rập nhưng không ngăn được bước chân các anh, những người làm nên phên giậu của Tổ quốc những cột mốc nhỏ, khẳng định chủ quyền của dân tộc. /uploads/news/2014_01/678955555555555555.jpg Trên đường khảo sát mốc quốc giới Việt Nam – Lào. , ảnh: Tú Trinh (baodienbienphu.info.vn) Khi trò chuyện với Trung tá Chăn Thi Phomalit Đội trưởng Đội cắm mốc tỉnh Luông Pra Băng (CHDCND Lào) tôi hiểu thêm một điều, để dựng được những cột mốc vững chãi nơi biên cương, là sự đồng thuận đoàn kết song phương của 2 nước Việt Nam – Lào. Anh Chăn Thi Phomalit thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng, cảm phục… Anh bảo “Cột mốc dựng lên không phải để tạo ra khoảng cách mà để thắt chặt thêm tình hữu nghị, thủy chung son sắc đã có từ trước. Anh còn đọc cho tôi nghe câu của người Việt Nam thường nói “Yêu nhau rào giậu cho kín” và nở nụ cười thân thiện. Ngẫm những lời của anh Chăn Thi Phomalit, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việt- Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long". Dù trời đã vào xuân nhưng cái rét vẫn luôn ngự trị trên từng mỏm đá, cành cây, ngọn cỏ, những cành đào kiêu hãnh vươn lên trời cao như thách thức thời tiết khắc nghiệt nơi biên cương, đâu đó ẩn sâu trong đám vỏ cây xù xì, lấp ló những mầm xuân. Vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các anh những người phân giới cắm mốc, đã và đang thầm lặng vượt qua những thử thách, gian nan để mang lại những mùa xuân tươi đẹp cho đất nước.

Tác giả: Tú Trinh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây