Những cán bộ xã mang quân hàm xanh

Thứ hai - 09/06/2014 02:49

Thiếu tá Nguyễn Đình Lập thường xuyên bám dân, bám bản.

Thiếu tá Nguyễn Đình Lập thường xuyên bám dân, bám bản.
Dải biên cương yên bình của Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày. Ðằng sau sự đổi thay ấy không chỉ là nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, mà còn có sự góp sức của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Những việc làm thiết thực của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường tại các xã, bản càng tô đậm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nơi biên giới. Họ là những người "giữ lửa" thắp sáng niềm tin, sự bình yên cho nhân dân, giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu.
Năm 1999, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc "Quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược", Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra Nghị quyết số 24 về "Bộ đội biên phòng tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế và tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới, hải đảo"; đồng thời, xây dựng đề án "Bộ đội biên phòng tham gia các chương trình văn hóa - xã hội ở các xã, biên giới, hải đảo". 15 năm trôi qua, đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hàng chục sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có phẩm chất, năng lực, được địa phương tín nhiệm, các cấp có thẩm quyền lựa chọn đã tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đặc biệt khó khăn, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Vượt chặng đường hơn 200 km, chúng tôi đến Leng Su Sìn, xã vùng cao biên giới của huyện Mường Nhé. Những ai từng đến đây vài năm trước nay có dịp trở lại, sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở vùng đất này. Nơi đây có tấm gương anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, người lính biên phòng có nhiều công lao giúp nhân dân Hà Nhì khai hoang trồng lúa nước.Năm 2009, xã Leng Su Sìn được thành lập, cũng là năm thiếu tá Nguyễn Đình Lập, cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao nhiệm vụ tăng cường phụ trách xã và giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã. Anh được biết đến như một cán bộ xung kích trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu cho bà con địa phương.Là xã mới thành lập, các tổ chức chính trị hoạt động kém hiệu quả, kinh tế chậm phát triển, văn hóa, quốc phòng - an ninh ít được chú trọng. Không lùi bước trước khó khăn, thách thức, anh Lập đã tham mưu với lãnh đạo địa phương họp nhân dân thảo luận, xây dựng hương ước, quy ước; cùng đảng bộ xây dựng nghị quyết, quy chế làm việc của chi bộ, phát huy sức mạnh nhân dân, công khai các chính sách quỹ, vốn để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Ngoài việc tham mưu xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, anh Lập còn tham mưu hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ một chi bộ Đảng khi mới chia tách thành lập, đến nay, Leng Su Sìn đã thành lập được Đảng bộ với gần 40 đảng viên, 3 chi bộ trực thuộc.Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân xã Leng Su Sìn ghi nhận những đóng góp tích cực của anh Lập trong hàng loạt các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao đang được triển khai tại địa phương, như: Mô hình trồng cà phê, ngô; đặc biệt là mô hình trồng lúa nước 2 vụ, ở xã Leng Su Sìn hiện đã có hơn 30ha diện tích lúa ruộng được trồng 2 vụ ăn chắc với năng suất đạt trung bình trên 40 tạ/ha; gần 100ha cà phê phát triển ổn định, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nhân dân. Với những việc làm thiết thực của mình, anh Lập được nhiều dòng họ lớn của đồng bào Hà Nhì muốn nhận vào dòng họ.Cũng cùng tên Lập, năm 2011, đại úy Nguyễn Văn Lập, Đồn Biên phòng A Pa Chải được Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên giao nhiệm vụ tăng cường về xã Sín Thầu. Tại đây, đại úy Lập được giới thiệu tham gia cấp ủy và được bầu làm Phó Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu, một xã biên giới nơi 100% đồng bào Hà Nhì sinh sống. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống người Hà Nhì từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, mặt bằng về dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao. Ðịa bàn xã những năm trước đây nổi lên nhiều vấn đề phức tạp: buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Cùng với đó là hệ thống chính trị từ xã đến các xóm, bản hoạt động kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chủ chốt làm việc thụ động, trông chờ, ỷ lại. Nhiều năm liền, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Ðảng không đạt kế hoạch. Nhanh chóng nghiên cứu thực tế, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Lập quyết định chọn khâu đột phá đó là tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể từ xã đến các bản; phân công, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng cán bộ xã xuống phụ trách từng bản. Anh cùng đội công tác liên ngành tỉnh, huyện và tổ công tác của Ðồn Biên phòng A Pa Chải không quản ngày đêm bám bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, giải quyết kịp thời "có tình, có lý" những vướng mắc nảy sinh; hướng dẫn bà con kỹ thuật, áp dụng giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. /uploads/news/2014_06/12.jpg Đại úy Nguyễn Văn Lập, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - người có nhiều đóng góp trong xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Hơn 3 năm gắn bó với dải đất biên cương này, đại úy Nguyễn Văn Lập có công đóng góp trong thực hiện mục tiêu xóa bản trắng đảng viên; xây dựng Ðảng bộ xã Sín Thầu giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Từ số hộ làm ăn giỏi đếm trên đầu ngón tay, đến nay, Sín Thầu đã có gần 20 hộ gia đình làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Sau khi chia tách, huyện Mường Nhé hiện còn 11 xã, trong đó có 6 xã biên giới gồm: Mường Nhé, Nậm Kè, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Sín Thầu. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, đời sống của nhân dân trên các xã biên giới đã không ngừng được cải thiện; đói nghèo, lạc hậu từng bước được đẩy lùi; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố vững chắc, an ninh trật tự được giữ vững và ổn định. Có được kết quả trên có một phần lớn công đóng góp của những người cán bộ xã mang quân hàm xanh. Tạm biệt núi rừng biên cương, nơi những người lính biên phòng "cắm bản", chúng tôi nhớ tới bài thơ: "Người cán bộ xã quân hàm xanh", của Nguyễn Ðông Tùng. Tác giả của bài thơ cũng từng có nhiều năm lăn lộn cùng bà con các dân tộc nơi biên giới, hơn ai hết, anh thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của đồng đội mình mà viết lên những vần thơ chan chứa tình người: Mây giăng đỉnh núi cao cao Thương cán bộ xã đeo sao biên phòng Trèo đèo, lội suối, vượt sông Vận động dân bản chẳng nề gian nan Việc đồn, việc xã cùng bàn... Bản trên, xóm dưới thi đua xóa nghèo Tin anh, dân bản làm theo Gia đình, làng bản vượt nghèo vươn lên... Những việc làm thiết thực của những người cán bộ xã mang quân hàm xanh, đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc trên biên giới, củng cố vững chắc mối đoàn kết quân dân cùng nhau xây dựng vùng biên giới của Tổ quốc ngày một phát triển bền vững.

Tác giả: Trần Sơn – Trọng Lâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây