Người tốt việc tốt: Người thầy thuốc trong lòng dân A Pa Chải

Thứ tư - 23/04/2014 04:52

Trung úy Lê Thanh Quế khám sức khỏe cho cháu Vù Bích Nhận

Trung úy Lê Thanh Quế khám sức khỏe cho cháu Vù Bích Nhận
Đó là Trung úy Lê Thanh Quế, cán bộ Trạm quân dân y kết hợp - Đồn Biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé).
Lê Thanh Quế sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Phú Thọ (nay là Trường Cao đẳng Y Phú Thọ), năm 2002, anh Quế lên đường nhập ngũ và làm công tác quân y tại Trung tâm huấn luyện bộ đội biên phòng tỉnh Vĩnh Phúc. Nói về cơ duyên lên vùng đất ngã ba biên giới A Pa Chải, anh Quế chia sẻ: “Nghề thầy thuốc cốt ở cái tâm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được đời sống của bà con dân tộc ở vùng cao biên giới còn rất nhiều khó khăn, không có điều kiện để đi khám chữa bệnh. Đầu năm 2010, tôi tình nguyện công tác tại Trạm quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng A Pa Chải để góp sức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi đây”.Ngay từ những ngày đầu về công tác tại đồn, Trung úy Lê Thanh Quế đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới. Anh xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ chiến sỹ toàn đơn vị để tham mưu cho Ban Chỉ huy đồn. Trước hết, là phải đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Anh cũng thường xuyên nhắc nhở, góp ý kiến với cán bộ, chiến sỹ duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, phòng chống các loại bệnh tật theo mùa...Đồn A Pa Chải quản lý địa bàn xã Sín Thầu, là một trong những xã vùng cao biên giới khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, với 100% dân tộc Hà Nhì. Ở đây vẫn tồn tại những hủ tục trong đời sống. Khi ốm đau thay vì tới Trạm y tế thì nhiều người dân chỉ ở nhà cúng ma, làm lý.Đầu tháng 4/2010, Trạm Quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng A Pa Chải đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám chữa bệnh và cũng là điều kiện để anh Quế đóng góp sức lực và khả năng của mình chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Anh thường xuyên kết hợp với đội vận động quần chúng của Đồn xuống bản hướng dẫn bà con cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình; ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, phải đi tới trạm y tế để khám khi bị bệnh. Với sự tận tâm trách nhiệm và nhiệt tình, anh được bà con tin tưởng, lúc ốm đau đều gọi “thầy” Quế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Trung úy Lê Thanh Quế thăm, khám và điều trị cho 5 - 6 trường hợp, có lúc cao điểm là 10 - 12 trường hợp. Riêng năm 2013, anh đã khám và phát thuốc cho gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và người dân trên địa bàn; tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bà mẹ trẻ em cho hàng trăm lượt người... Anh Quế cũng là đầu mối liên lạc tích cực giúp cháu Vù Bích Nhận (bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu) được phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Kể lại chuyện này, anh Quế cho biết: Một lần xuống khám bệnh ở bản Pờ Nhù Khồ, biết được tình trạng bệnh của cháu Nhận, tôi đề nghị gia đình đưa cháu đi chữa trị nhưng gia đình không có điều kiện nên đành chịu. Sau đó, cứ mỗi lần xuống bản đó là thêm một lần tôi xót xa trước hoàn cảnh một cháu bé 5 tuổi, người gầy xọp vì bệnh, một tháng có tới 20 ngày đau ốm, chỉ nằm nhà không thể tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Tôi đã tìm cách để giúp cháu Nhận được phẫu thuật. Sau nhiều lần nhờ vả, liên lạc với các đoàn lên công tác tại A Pa Chải, tháng 7/2013, cháu Nhận được phẫu thuật tim theo chương trình “trái tim cho em” do Viettel tài trợ. Hiện nay, cháu Nhận đã khỏe mạnh, tiếp tục đến trường, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.Với những thành tích đạt được, 4 năm liền, Trung úy Lê Thanh Quế là chiến sỹ thi đua. Năm 2012, anh được thăng cấp bậc trước thời hạn. Còn với bà con dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải thì anh Quế như người thân của họ.

Tác giả: Phạm Trung

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây