Tạo thói quen đọc, tiếp cận thông tin từ sách báo

Thứ năm - 01/11/2018 13:36

Tạo thói quen đọc, tiếp cận thông tin từ sách báo

DIC - Thực hiện công tác phối hợp trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐVHX); thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng trong việc tạo thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong việc tiếp cận các thông tin thông qua sách, báo, tài liệu; đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển các điểm bưu điện - văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương.
/uploads/news/2018_12/img_4385.jpg Người dân tìm hiểu thông tin từ sách, báo tại Quầy sách lưu động (Trung tâm Phát hành sách tỉnh Điện Biên) tham gia phiên chợ thương mại biên giới huyện Nậm Pồ năm 2018. Bám sát các nội dung chương trình phối hợp công tác số 430/CTr - BVHTTDL - BTTTT, ngày 4/2/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã ký kết Chương trình phối hợp số 993/CTr - SVHTTDL - STTTT về việc thực hiện chương trình phối hợp tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐVHX giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó 2 Sở đã chỉ đạo, phối hợp với hệ thống thư viện công cộng, hệ thống bưu điện tỉnh, các điểm BĐVHX triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung phối hợp tại 19 điểm BĐVHX trên địa bàn. Công tác tuyên truyền được 2 sở phối hợp tổ chức với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như: Tuyên truyền mặt đường, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua trưng bày triển lãm sách tại Ngày hội đọc sách… Từ đó thu hút đông đảo người dân tới sử dụng sách, báo tại hệ thống thư viện, đặc biệt là các điểm BĐVHX, từng bước hình thành văn hóa đọc trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Chú trọng xây dựng kho sách luân chuyển, sau 5 năm thực hiện chương trình phối hợp, đến thời điểm này kho sách luân chuyển của Thư viện tỉnh có hơn 13.000 cuốn sách các loại. Thư viện tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện luân chuyển sách, báo tới 19 điểm bưu điện - văn hóa xã với tổng số 3.357 bản sách. Bưu điện tỉnh phối hợp thực hiện luân chuyển miễn phí sách, báo đến các điểm BĐVHX. Tại mỗi điểm BĐVHX đều bố trí giá bày sách và nhân viên phục vụ các dịch vụ của bưu điện; đồng thời kiêm nhiệm công tác phục vụ bạn đọc. Phối hợp trao tặng 1.094 bản sách cho 19 điểm BĐVHX (trung bình mỗi xã 60 bản)… Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, tủ sách điểm BĐVHX, hằng năm vào dịp tổ chức Ngày hội đọc sách, Thư viện tỉnh đã tổ chức vận động các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đoàn thể ủng hộ sách, báo để xây dựng nguồn sách tặng cho các điểm BĐVHX. Hai ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (BMGF - VN) tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho cán bộ, nhân viên trong hệ thống thư viện công cộng và các điểm BĐVHX nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại cơ sở. Bưu điện tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức tập huấn công tác thư viện cho cán bộ các điểm BĐVHX; hướng dẫn bạn đọc tra cứu thông tin trên mạng internet qua hệ thống máy tính của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ tại một số điểm BĐVHX… Nỗ lực thực hiện chương trình phối hợp, số lượng sách luân chuyển bình quân 150 đầu sách/điểm/lần đã góp phần làm phong phú thêm vốn sách, báo hiện có của các điểm BĐVHX, từ đó thu hút đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐVHX. Cùng kết hợp với nhiều mô hình đọc sách khác, phòng đọc sách của điểm BĐVHX đã góp phần nâng cao tỷ lệ người đọc sách và sử dụng thư viện trong toàn tỉnh. Dù đạt được những kết quả tích cực, song do Điện Biên là tỉnh có địa hình chia cắt phức tạp nên việc luân chuyển sách, báo đến các điểm BĐVHX, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, vận động và xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân. Do hầu hết cán bộ ở các điểm BĐVHX đều là kiêm nhiệm chưa có nghiệp vụ thư viện, hạn chế trong việc quản lý sách luân chuyển và công tác phục vụ bạn đọc; không có chế độ phụ cấp, thu nhập thấp nên chưa chuyên tâm gắn bó với nghề. Kinh phí phục vụ bổ sung sách, báo hàng năm của Thư viện tỉnh, huyện còn hạn chế nên số lượng sách, báo luân chuyển/lần chưa nhiều, chưa được bổ sung thường xuyên; còn nghèo nàn về nội dung, chưa đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, nhất là nguồn sách cho thiếu nhi… Tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐVHX nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh thì một trong những giải pháp quan trọng được 2 ngành chú trọng thực hiện trong thời gian tới đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sách tại các điểm BĐVHX nhằm thu hút đông đảo người dân đến đọc sách, báo, tra cứu thông tin, tài liệu. Cùng với đó là tăng cường công tác điều tra, khảo sát, đánh giá thị hiếu, nhu cầu, sở thích của các nhóm đối tượng tại các điểm BĐVHX từ đó có kế hoạch bổ sung, luân chuyển sách phù hợp với nhu cầu của người dân. Nhất là các loại sách, báo thiết thực với bà con trong việc tiếp cận thông tin, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi… ./.

Tác giả: ài, ảnh: Thùy Thùy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây