Hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) về các tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT

Chủ nhật - 23/08/2015 22:35

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo.
Ngày 21/8/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) về các tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng khẳng định: Sau 14 năm thi hành, Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi năm 2009) đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đến nay đất nước đã có những thay đổi lớn, nền kinh tế đất nước đã có những thay đổi và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Công nghệ cũng đang thay đổi nhanh, tội phạm ngày càng đa dạng, phức tạp và khó lường. Đánh giá về dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, Thứ trưởng cho biết trong tổng số 443 điều, Bộ TT&TT đã đề xuất thêm 05 tội danh mới; sửa đổi, bổ sung 16 tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế cho hay, điểm mới trong dự thảo luật hình sự là có các điều luật quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân với 32 tội danh, trong đó có 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Tuy nhiên, Vụ Pháp chế cũng lưu ý, trong lĩnh vực TT&TT, pháp nhân là các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, trong khi pháp luật quy định chỉ xử lý trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân liên quan đến kinh tế. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều đại biểu đều nhất trí rằng trong thời gian gần đây số lượng nhà báo bị hành hung trong khi tác nghiệp đang gia tăng, do đó, cần có cơ chế bảo vệ thỏa đáng hơn so với các quy định hiện hành để bảo vệ tính mạng, danh dự của nhà báo. Tuy nhiên, Vụ Pháp chế cho biết: Hoạt động báo chí không phải là hoạt động công vụ nên không thể buộc tội người hành hung nhà báo vào tội chống người thi hành công vụ. Đại diện Cục Viễn thông thì băn khoăn “cước viễn thông có phải là tài sản hay không?”, nếu có thì nên đưa tội trộm cước viễn thông quốc tế chiều về vào tội trộm cắp tài sản quy định tại điều 194. Liên quan đến lĩnh vực xuất bản, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cũng băn khoăn về điều 358 về tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản, theo đó “In trên 2000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo được ký duyệt theo quy định pháp luật. Người nào vi phạm bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Đại diện Hội Xuất bản cho rằng, quy định như vậy là hình sự hóa các quy định về hành chính, trong trường hợp này chỉ cần xử phạt hành chính là đủ. Ngoài ra, đại diện Hội Xuất bản cũng đặt câu hỏi về việc tổ dự thảo dựa trên căn cứ nào để xác định in trên 2000 bản đối với xuất bản phẩm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, “in dưới 2000 bản thì xử lý thế nào”. Theo kinh nghiệm của đại diện Hội Xuất bản, trong lĩnh vực xuất bản, nội dung đóng vai trò quan trọng trong việc xử phạt chứ không phải là số lượng. Trong thời đại CNTT phát triển như hiện nay, số lượng 500 quyển hay 2000 quyển không nên là căn cứ để xử phạt vì chỉ cần có 1 quyển là người ta có thể nhân bản lên nhiều quyển. Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu cho dự thảo luật hình sự về các tội danh liên quan đến lĩnh vực TT&TT. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế tổng hợp các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo và các ý kiến bằng văn bản gửi về sau Hội thảo để xây dựng báo cáo góp ý của Bộ TT&TT gửi đến các cơ quan chức năng./.

Tác giả: Giang Phạm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây