Điện Biên “đội sổ” về CCHC

Thứ hai - 12/09/2016 04:47
Theo công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số cải cách hành chính CCHC (Par index) năm 2015 của tỉnh Điện Biên đạt 74,99 điểm (điểm thẩm định đạt 46,35/62; điểm điều tra xã hội học là 28,64/38 điểm), tăng 6,31 điểm so với năm 2014. Tuy nhiên, về thứ hạng, tỉnh ta bị giảm 2 bậc và rơi xuống vị trí cuối cùng, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “đội sổ” về chỉ số CCHC, nhưng quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa riết róng trong việc triển khai thực hiện CCHC.
Phân tích các chỉ số được xác định trong 8 lĩnh vực CCHC cấp tỉnh, Điện Biên có 3 lĩnh vực đạt điểm số cao là: Công tác chỉ đạo điều hành (9 điểm); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính (6,5 điểm); CCHC công (3 điểm). Về các lĩnh vực khác, nguyên nhân chính kéo thứ hạng của tỉnh xuống thấp là do điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách chủ yếu còn phụ thuộc vào Trung ương, nên lĩnh vực “hiện đại hóa nền hành chính” (đạt 2,75/8,5 điểm) với các hạng mục về cơ sở hạ tầng, vật chất… chúng ta chưa thể chủ động đầu tư, trong khi từ năm 2014, nguồn tài trợ của Đan Mạch (khoảng 5 tỷ đồng/năm) hỗ trợ tỉnh trong CCHC đã dừng lại. Đối với các lĩnh vực còn lại, một số nội dung tự chấm điểm chưa được điểm hoặc không được điểm tối đa khi Bộ Nội vụ thẩm định. Cụ thể, trong số 24/104 tiêu chí thành phần không được điểm hoặc điểm thấp hơn mức quy định, có 3 tiêu chí: Ban hành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hàng năm của tỉnh bị trừ điểm do ban hành chậm. Có 4 tiêu chí thành phần thuộc các sở, ngành và UBND cấp huyện chủ trì, tham mưu thực hiện nhưng đến nay Bộ Nội vụ chưa phê duyệt cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm; cơ cấu công chức thì mới phê duyệt cuối năm 2015 nên không có điểm. Ngoài ra, tiêu chí thành phần “thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương trở xuống” thì tỉnh Điện Biên không phải là đơn vị thí điểm nên cũng không chấm điểm. Còn lại, các tiêu chí như: cán bộ xã đạt chuẩn; cán bộ xã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong năm; thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế “Một cửa” tại địa phương… đạt tỷ lệ thấp nên bị trừ điểm khi thẩm định. Đáng chú ý, trong tiêu chí: Công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, mới có 3/10 đơn vị hành chính cấp huyện công bố; đối với các xã thì chưa thể thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các địa phương, từ cấp huyện chứ chưa nói đến cấp xã, tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 là một khái niệm vẫn còn khá mơ hồ… Những nguyên nhân này khiến tỉnh mất 15,65 điểm trong tổng số 23 điểm trong thang điểm tối đa. Đánh giá về quá trình thực hiện chương trình tổng thể về CCHC giai đoạn II của Chính phủ trên địa bàn tỉnh và các giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện chỉ số CCHC trong thời gian tới, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác CCHC được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh; ban hành các kế hoạch giai đoạn 5 năm và hàng năm, trong đó tập trung cải cách thể chế, tổ chức bộ máy cán bộ, CCHC tài chính công và nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đến nay toàn tỉnh có 16/19 sở, ngành; 10/10 huyện, thị, thành phố; hơn 60/130 xã áp dụng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”; một số đơn vị cấp huyện đã xây dựng được cơ chế “Một cửa liên thông”. Các nội dung như: đối thoại doanh nghiệp; thành lập đoàn kiểm tra CCHC, chấm điểm cho các đơn vị chuyên môn… hàng năm đều được tỉnh triển khai. Tuy nhiên chúng ta đã có những nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể là điểm số tăng so với năm 2014. Ta tiến bộ nhưng các tỉnh khác còn tiến bộ hơn! Tổng hợp từ kết quả điều tra xã hội học, điểm số của Điện Biên đạt thấp so với các tỉnh, do phần lớn các đối tượng tham gia đánh giá (tổng cộng 517 phiếu, trong đó: doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân 100 phiếu; lãnh đạo cấp huyện 9 phiếu; đại biểu HĐND 30 phiếu; lãnh đạo sở, ngành 108 phiếu; người dân tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông và TX. Mường Lay 270 phiếu) đều đánh giá ở mức độ kém hoặc trung bình khi được hỏi về các lĩnh vực của CCHC trên địa bàn tỉnh. Có thể xác định một số nguyên nhân chủ yếu là: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết các thủ tục hành chính còn chậm so với quy định; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức thực hiện còn nhiều hạn chế, còn biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình thi hành công vụ; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa hài lòng về sự phục vụ của một số cơ quan hành chính Nhà nước. Và vấn đề quan trọng, mang tính bao trùm chính là trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành còn thấp, còn trông chờ, phụ thuộc vào sự tham mưu, báo cáo của cấp dưới. Vì vậy, để cải thiện chỉ số CCHC, trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, cán bộ, công chức; nâng cao trình độ cán bộ cơ sở; triển khai cụ thể, chi tiết các kế hoạch đề ra… thì người đứng đầu các cơ quan đơn vị hành chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC tại đơn vị, địa phương mình. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, quyết liệt chỉ đạo, nghiêm túc xử lý các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, hướng tới sự thống nhất, chung tay xây dựng một nền hành chính “Kiến tạo, liêm khiết, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011 – 2015 được tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua.

Tác giả: Phạm Dương

Nguồn tin: CDC Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây