Giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể cần phát huy, bảo tồn

Thứ năm - 13/08/2015 22:05

Người Thái trắng huyện Tủa Chùa múa quạt vui lễ hội Kin - pang.

Người Thái trắng huyện Tủa Chùa múa quạt vui lễ hội Kin - pang.
Tỉnh Điện Biên hiện có 19 dân tộc, trong đó: dân tộc Thái chiếm gần 38%, dân tộc Mông trên 34%, dân tộc Kinh khoảng 18%, còn lại là các dân tộc khác. Mặc dù đa dạng về thành phần dân tộc, phong phú về sắc màu văn hóa, đến nay tỉnh đã có 4 di sản gồm: Nghệ thuật Xòe Thái, Tết Nào pê chầu của dân tộc Mông đen; lễ hội Kin pang then của người Thái trắng; lễ hội Đền Hoàng Công Chất được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với những “mỏ di sản” Điện Biên đang sở hữu.
Nhằm đánh giá, nhận diện tổng thể về thực trạng DSVH PVT các dân tộc trong tỉnh cũng như để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH PVT, từ cuối năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1959 về việc tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học DSVH PVT giai đoạn 2012 - 2015. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Ban kiểm kê DSVH PVT cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Ban kiểm kê cấp huyện thực hiện tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học DSVH PVT trên địa bàn toàn tỉnh; hoàn thiện các mẫu phiếu kiểm kê, biểu tổng hợp kết quả kiểm kê 7 loại hình DSVH PVT cấp xã và 7 loại hình cấp huyện. Theo khảo sát, Ban kiểm kê cấp huyện đã tiến hành kiểm kê tại 114/130 xã, phường, thị trấn; 986/1.764 thôn, bản, tổ dân phố; 16/19 dân tộc gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Lào, Kháng, Dao, Hà Nhì, Hoa (Xạ Phang), Xinh Mun, Phù Lá, Tày, Nùng, Cống, Si La và Sán Chỉ. 2 dân tộc là Thổ, Mường và nhóm “các dân tộc khác” trong tổng số 19 dân tộc của tỉnh Điện Biên không kiểm kê vì số dân tộc này không đủ điều kiện, tiêu chí để tiến hành kiểm kê DSVH PVT. Kết quả là, tính đến 31/12/2014, đã kiểm kê 690 DSVH PVT, trong đó có 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian (Các di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê theo dân tộc). Từ kết quả tổng kiểm kê, Ban kiểm kê DSVH PVT tỉnh đã lập danh mục 35 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị xem xét để lập hồ sơ khoa học đưa vào danh mục quốc gia. Riêng năm 2014, Điện Biên đã hoàn thành 4 bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục trên; trong đó đã có 3 di sản được đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia gồm: Tết Nào pê chầu của dân tộc Mông đen (huyện Mường Ảng); lễ hội Kin pang then của người Thái trắng (Thị xã Mường Lay); lễ hội Đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ (xã Noong hẹt, hyện Điện Biên). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban kiểm kê cấp tỉnh, trong 7 loại hình DSVH PVT được kiểm kê thì tiếng nói - chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ mai một bởi các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có tiếng nói riêng, gồm 6 nhóm ngôn ngữ: nhóm Tày - Thái, Việt - Mường, Mông - Dao, Môn - Khmer, Hán và Tạng Miến. Tiếng nói của các dân tộc được sử dụng rất phổ biến, là phương tiện giao tiếp hằng ngày và gắn chặt với đời sống sinh hoạt tại cộng đồng. Thế nhưng, trong quá trình sống xen kẽ giữa các dân tộc với nhau, có sự giao lưu trao đổi nên bản thân tiếng nói của dân tộc này có khi phải mượn tiếng nói của dân tộc kia để diễn đạt điều muốn nói. Trong đó, tiếng nói của dân tộc Kinh là được các dân tộc khác mượn nhiều nhất trong quá trình giao tiếp. Bên cạnh đó, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc tỉnh Điện Biên rất phong phú về loại hình, dồi dào về số lượng. Đối với nhạc cụ truyền thống, hát dân ca hiện chỉ có thế hệ nghệ nhân đã cao tuổi còn biết sử dụng và yêu thích, thế hệ trẻ rất ít người tham gia. Mới đây, Hội đồng xét tặng “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực DSVH PVT tỉnh cũng đã xét và chọn 9 cá nhân để trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xem xét, như: Ông Giàng A Sử nắm giữ kỹ thuật chế tác và trình diễn nhạc cụ sáo, khèn Mông; bà Lường Thị Đại nắm giữ DSVH dân tộc Thái; ông Pờ Dần Xinh nắm giữ tập quán xã hội và lễ hội truyền thống dân tộc Hà Nhì, ông Hù Văn Sẩm, dân tộc Cống, nắm giữ ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và lễ hội truyền thống dân tộc Cống… Theo ông Đoàn Văn Chì, việc xét tặng “Nghệ nhân ưu tú” là một trong những nội dung quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể bởi hiện nay, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc trong tỉnh đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền bởi ý thức thái độ của người dân trong công tác bảo tồn và lưu truyền. Nhiều điệu múa, làn điệu dân ca chỉ còn trong trí nhớ của người già, một số khác mai một hẳn hoặc không ai còn nhớ đến… Tới đây, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực của Ban kiểm kê DSVH PVT cấp tỉnh, sẽ tiếp tục lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Quốc gia; tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc; bảo tồn và phát triển nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội… Bên cạnh đó, ngoài sự cố gắng trong nỗ lực bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bản thân góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.

Tác giả: Bài, ảnh: Quang Long

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây