Đến Mường Lay để cảm nhận không gian văn hóa người Thái trắng

Thứ sáu - 17/10/2014 10:48
ĐBP - Nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, địa danh Mường Lay được biết đến là một thị xã nhỏ nhất nước, với 9 dân tộc anh em cùng chung sống. Chiếm phần đa dân số của thị xã (trên 73%) là người Thái trắng, với bản sắc văn hóa đặc trưng gắn liền với dòng sông Đà huyền thoại, nên khi nhắc đến Mường Lay là người ta nghĩ ngay đến người Thái trắng.
Tương truyền rằng, xưa kia trên đường chinh phục vùng đất mới, một nhóm tộc người Thái trắng đã dừng chân và lựa chọn mảnh đất nơi ngã ba sông màu mỡ, trù phú này để khai phá, lập nghiệp. Dần về sau, cư dân từ khắp nơi mới quy tụ về ngày một đông, kết thành cộng đồng dân tộc cùng nhau sinh sống và làm nên một thị xã đa dạng với đủ gam màu sắc như hôm nay. Song do chiếm dân số lớn, với những nếp sống ruộng vườn, đan lát, chài lưới... lâu đời, cư dân người Thái đã làm nền hình ảnh rất riêng khi nhắc đến mảnh đất Mường Lay. Truyền thống văn hóa lâu đời ấy đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của họ. Chính bởi vậy, mặc dù lịch sử thị xã ghi dấu biết bao biến cố thăng trầm, khiến diện mạo của mảnh đất cũng có nhiều đổi thay. Nhiều người gốc Mường Lay đi xa, khi quay lại đã không còn nhận ra mảnh đất xưa cũ. Song nhiều nét văn hóa của cộng đồng người Thái trắng thì vẫn còn nguyên giá trị và đang được các cấp chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt. Đến Mường Lay hôm nay, gắn liền với hình ảnh mênh mông sông nước là những mái nhà sàn kiên cố nằm san sát 2 bên bờ sông Đà thơ mộng. Cuộc sống bình dị với những người nông dân chân chất mưu sinh ven sông bằng nghề đan cót, chài lưới và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Duy chỉ có một khác biệt lớn nhất, đó là diện mạo mà ngày nay người ta quen gọi vui là “phố bản”. Tức là bản mà khang trang như phố. Bên mỗi con đường trải nhựa của đô thị Mường Lay, vẫn là nhà sàn, vẫn hình ảnh của người Thái trắng với những sinh hoạt cộng đồng đặc trưng, hay đơn giản chỉ là một góc chợ rất riêng, một món ăn mang đậm hương sắc dân tộc. Nhiều phụ nữ người Thái trắng ở đây vẫn chọn váy, áo cóm và thắt lưng xanh truyền thống làm trang phục thường ngày. Riêng sở nuông, sở bưởng (gọi chung là áo dài truyền thống) do cầu kỳ nên chỉ được mặc trong các dịp lễ, tết, đón, rước dâu hoặc làm ma cho gia đình, dòng họ. Tộc người Thái nói chung, Thái trắng nói riêng có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đặc biệt là họ rất ưa thích múa. Nghệ thuật múa dân gian Thái mang đậm nét đặc trưng. Những cô gái Thái với váy áo cóm thắt đáy lưng ong, uyển chuyển, duyên dáng trong các điệu múa dân tộc, như: Xe khăn, xe nón, xe quạt, xe xoỏng... không khỏi làm xao xuyến, ngây ngất lòng người. Từ trước tới nay, múa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái trong các dịp lễ, tết. Múa Thái được biểu diễn ở khắp nơi, múa trong nhà, múa ngoài sân, ngoài suối, dưới gầm sàn... Họ có thể múa đôi hoặc múa đông người, đôi khi còn thu hút rất nhiều người cùng múa. Đặc biệt phổ biến nhất đó là những điệu xòe truyền thống. Một loại hình nữa không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày đối với người Thái trắng đó là hát. Người ta nghe hát, hoặc hát cho mọi người nghe một cách say mê. Qua lời hát, họ không chỉ thưởng thức những thi vị của ý thơ mà còn gửi gắm tâm tình vào những âm thanh trầm bổng của giọng hát. Người Thái trắng vừa hát vừa đệm đàn tính. Các thể loại trong hát của người Thái đã có từ rất lâu, như: Hát giao duyên, hát sai peng (hát dân ca), hát sao xên, hát ứ lụ non (hát ru), hát mạng, hát then... Các làn điệu ca, múa này ngày nay vẫn còn tồn tại và được lưu giữ trong cộng đồng người Thái trắng ở đây. Thống kê hiện tại toàn thị xã đang có 34 đội văn nghệ quần chúng ở các tổ, bản, chủ yếu tập trung ở các bản dân tộc Thái. Các đội văn nghệ thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, luyện tập chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn vào các dịp lễ, tết và du khách tới tham quan. Việc truyền dạy và lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ này cũng đang được các nghệ nhân và Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã truyền dạy. Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, năm 2011, UBND thị xã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc luôn được quan tâm, trong đó cộng đồng người Thái trắng được ưu tiên với nhiều hoạt động cụ thể, như: Tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng với nhiều trò chơi truyền thống (Tung còn, Tó má lẹ...), các hội thi ẩm thực; truyền dạy dân ca, dân vũ... Tháng 9 vừa qua, thị xã đã hoàn thành công tác kiểm kê với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là của người Thái trắng vẫn còn được gìn giữ trong đời sống, như: Tiếng nói, múa dân gian, trò chơi dân gian, việc cưới, việc tang, ẩm thực dân tộc, trang phục, trang sức truyền thống, kiến trúc dân gian, một số nhạc cụ dân tộc. Đây chính là cơ sở để Mường Lay tiếp tục có những bước tiến trong tương lai với nhiều hoạt động cụ thể hơn. Hiện nay, thị xã đang triển khai thí điểm dạy chữ Thái trong trường học. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 3 lớp với 56 học sinh lớp 3 theo học. Nhà trưng bày văn hóa của người Thái trắng cũng được xây dựng và đang trong quá trình thu thập các hiện vật. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ mở cửa triển lãm, phục vụ khách tham quan. Một hội đua thuyền truyền thống dự kiến cũng sẽ được tổ chức trong tháng 11 tới. Còn nhiều, rất nhiều dự định và những việc phải làm trong thời gian tới cũng như tương lai xa mà thị xã bé nhỏ đang ấp ôm trong mình. Nhưng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống về sự kiên trì, nỗ lực của mảnh đất, con người nơi đây, cộng thêm sự ủng hộ, chung tay của các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân, thị xã sẽ làm được. Để hôm nay và mãi về sau, khi đến với Mường Lay, bất cứ ai cũng luôn được sống và cảm nhận những dư vị rất riêng, rất đặc biệt trong không gian văn hóa của người Thái trắng.

Tác giả: PVĐT

Nguồn tin: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây