Để giao dịch thương mại điện tử trở thành niền tin cho mọi người

Thứ tư - 12/11/2014 11:23

Giao dịch điện tử là nơi để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa trên môi trường mạng.  Trong ảnh: Một trang bán hàng trên mạng internet.  Ảnh minh họa

Giao dịch điện tử là nơi để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa trên môi trường mạng. Trong ảnh: Một trang bán hàng trên mạng internet. Ảnh minh họa
DIC - Thương mại điện tử là việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên môi trường mạng Internet, các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin được số hoá thông qua mạng Internet nhưng với hình thức được giao nhận hữu hình.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên có những bước phát triển mạnh, được nâng cấp, mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin. Nhận thức về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của giao dịch, thương mại điện tử đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay của cán bộ, công chức, của cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao. Đến nay, hầu hết các cơ quan Nhà nước và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng được nhiều phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cung cấp các dịch vụ công của ngành. Bên cạnh đó, các hình thức mua bán, trao đổi qua internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng (mua bán trên các trang mạng, facebook…). Từ năm 2010 đến nay, Sở Công thương tỉnh Điện Biên đã xúc tiến, hỗ trợ 100% vốn giúp 25 doanh nghiệp trên địa bàn thành lập website nhằm xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên doanh liên kết. Tuy việc ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp đã có những bước chuyển biến so với các năm trước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chủ yếu thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên đang có một số hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân chủ yếu là do: Thứ nhất, các website thương mại điện tử của các doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, mới chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán mà chưa thực sự trở thành một gian hàng đáng tin cậy. Thứ hai, người tiêu dùng chưa thể tin tưởng và dám đặt niềm tin vào các giao dịch điện tử, vẫn đang mang tâm lý nhìn hàng hóa trả tiền do đã có những trường hợp bị lừa đảo qua hình thức này. Thứ ba, cơ chế chính sách của Nhà nước để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thương mại điện tử chưa thực sự đáng tin do đó người dân và doanh nghiệp không thể chấp nhận tham gia và môi trường rủi ro này. Với mục tiêu đưa giao dịch, thương mại điện tử trở thành kênh thông tin và mua bán thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Trước hết cần thường xuyên tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật về giao dịch, thương mại điện tử cho cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời rà soát, kiểm tra và kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn cũng như các quy định chưa hợp lý lên các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, cần tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về giao dịch điện tử nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về lợi ích của giao dịch điện tử từ đó lập các kế hoạch triển khai giao dịch điện tử; xây dựng và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, các kỹ năng khai thác, quản lý và cập nhật thông tin… Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng giao dịch, thương mại điện tử; xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình sản phẩm và các dịch vụ của doanh nghiệp./.

Tác giả: Trọng Chiến

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây