Cần có giải pháp đồng bộ thực hiện quy hoạch phát triển Bưu chính, VT&CNTT tỉnh giai đoạn đến năm 2020

Thứ năm - 06/11/2014 11:49

Sử dụng chung cột angten thu phát sóng thông tin di động - Một trong những chỉ tiêu phát triển dự kiến có trong Quy hoạch điều chỉnh. Ảnh: Trọng Nghĩa

Sử dụng chung cột angten thu phát sóng thông tin di động - Một trong những chỉ tiêu phát triển dự kiến có trong Quy hoạch điều chỉnh. Ảnh: Trọng Nghĩa
DIC - Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (BC, VT &CNTT) là ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân; là công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1529/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, hoạt động BC, VT &CNTT đã và đang phát triển theo chiều hướng tốt song chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình phát triển trong quy hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Điện Biên đã tích cực tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy sự phát triển, tăng cường công tác quản lý nhằm tổ chức triển khai, thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay qua 5 năm triển khai thực hiện quy hoạch, ba lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Bưu chính: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 10 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính, trọng tâm vẫn là Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel. Hạ tầng mạng lưới phục vụ ổn định, rộng khắp với 138 điểm phục vụ, 71 tuyến đường thư. Dịch vụ bưu chính đáp ứng được nhu cầu vận chuyển thư báo, công văn tài liệu của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bán kính phục vụ bình quân đạt 4,49 km/điểm phục vụ; số dân phục vụ bình quân đạt trên 3.971 người/điểm phục vụ. Số xã có báo đến trong ngày đạt 40/116 xã. Viễn thông: Đến nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm: Viễn thông Điện Biên, Chi nhánh Viettel Điện Biên, Chi nhánh Mobifone Điện Biên, Vietnam Mobile và Công ty Cổ phần viễn thông FPT. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp với 767 trạm thu, phát sóng thông tin di động; 98/130 xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 3G, chất lượng phủ sóng mạng thông tin di động băng thông rộng ngày càng tăng. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang, cáp đồng được kéo đến 100% trung tâm các xã. Tổng chiều dài truyền dẫn được ngầm hóa là 297,5 km. Hệ thống cột treo cáp, cống bể cáp được chia sẻ dùng chung, tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp ước khoảng 10%. Công nghệ thông tin: Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước kết nối thông suốt giữa Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan Nhà nước được kết nối Internet băng thông rộng, tốc độ cao. Tỷ lệ máy tính/CBCC trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100% và cấp xã đạt 30%; 95% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và 70% các cơ quan Nhà nước cấp huyện được trang bị các phần mềm có chức năng quản lý văn bản và điều hành qua mạng. Công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong ứng dụng CNTT tại các cơ quan Nhà nước được quan tâm thực hiện. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Đến nay, gần 60% các cơ quan Nhà nước đã xây dựng cổng/trang thông tin điện tử cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp với trên 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 2 dịch vụ công mức độ 3... Bên cạnh các kết quả đạt được, một số chỉ tiêu phát triển trong quy hoạch như số dân phục vụ bình quân, bán kính bình quân không đạt so với mục tiêu quy hoạch. Chỉ tiêu tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo mỹ quan đô thị đến nay chỉ đạt 13%, ước đến 2015 đạt 15% (không đạt so với mục tiêu quy hoạch là 20%). Chỉ tiêu tỷ lệ cơ quan có hệ thống cơ sở dữ liệu trọng điểm theo quy định và các chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong cơ quan, Nhà nước, trong doanh nghiệp còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; một số chỉ tiêu không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu đó là sự phát triển vượt bậc của viễn thông, internet và CNTT làm thay đổi nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền thống của người dân (thư, điện thoại cố định, sách báo giấy...) sang sử dụng dịch vụ hiện đại (điện thoại di động, thư điện tử, báo điện tử và các dịch vụ gia tăng khác...), do đó dịch vụ truyền thống giảm mạnh. Sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ BC,VT trên thị trường. Để đạt mục tiêu tăng trưởng các doanh nghiệp tập trung đầu tư tại các khu vực trung tâm đông dân cư, chưa chú trọng đầu tư, khai thác dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Hạ tầng CNTT phát triển chưa đồng đều, trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu. Trình độ ứng dụng CNTT của một số cán bộ CCVC còn hạn chế, chưa có chính sách thu hút và tuyển dụng cán bộ có trình độ cao về CNTT vào các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vấn đề sử dụng chung cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp quy về quản lý phát triển ngành TT&TT chưa đầy đủ. Trước những tồn tại trên, để triển khai có hiệu quả quy hoạch cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, triển khai ngầm hóa; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng hạ tầng viễn thông trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông đô thị... Nghiên cứu, kiến nghị với cơ quan cấp trên, để có cơ chế ưu đãi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu vực có điều kiện KT-XH còn khó khăn, phù hợp với thực tế tại địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định, chính sách về phát triển ngành TT&TT. Thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch đầu tư nhằm phát triển ngành TT&TT hiệu quả, bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch; thẩm định, cấp phép cũng như công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng TT&TT. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển BC, VT & CNTT trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tế, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành, địa phương trong tỉnh và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan; làm cơ sở để các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch chung của ngành và của tỉnh. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai quy hoạch đảm bảo mục tiêu và lộ trình với mục tiêu chính là nâng cao đời sống nhân dân giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh./.

Tác giả: Phương Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây